TÀI KHOẢN 632 – GIÁ VỐN HÀNG BÁN
1. Nguyên tắc kế toán
1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp (đối với HTX xây lắp) bán trong kỳ.
1.2. Đối với phần giá trị hàng tồn kho hao hụt, mất mát, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có).
1.3. Việc trích lập, điều kiện trích lập, mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của HTX (nếu có) được thực hiện theo cơ chế tài chính hiện hành.
Khoản trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được hạch toán tăng hoặc giảm giá vốn hàng bán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
Bên Nợ:
– Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ;
– Chi phí vật liệu, dụng cụ, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ;
– Các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra;
– Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết).
Bên Có:
– Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ sang Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”;
– Khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối kỳ kế toán (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
– Trị giá vốn của hàng bán bị trả lại;
– Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nhận được sau khi hàng mua đã tiêu thụ.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi xuất bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 154, 156, 157,…
3.2. Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán:
– Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 156, 138,…
3.3. Hạch toán khoản trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
– Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản.
– Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
3.4. Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:
Nợ các TK 154, 156
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
3.5. Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của hàng tồn kho để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thụ, số đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331…
Có các TK 152, 154, 156 (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 242 – Tài sản khác (giá trị khoản CKTM, GGHB
của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động XDCB) (2422)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị khoản CKTM, GGHB của hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ).
3.6. Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.