Văn hoá doanh nghiệp và những thay đổi

Văn hóa doanh nghiệp được hiểu là tập hợp những niềm tin, mong đợi và những giá trị được các thành viên của doanh nghiệp cùng học hỏi và chia sẻ với nhau và được truyền từ thế hệ nhân viên này đến thế hệ nhân viên khác. Trong đa số trường hợp, để duy trì sự phát triển và tồn tại lâu dài trước sức ép của cạnh tranh, doanh nghiệp phải đổi mới chiến lược kinh doanh và cũng phải điều chỉnh văn hóa của tổ chức cho phù hợp với chiến lược. Chẳng hạn, một doanh nghiệp xác định mục tiêu chiến lược là trở thành công ty đi tiên phong về một công nghệ mới thì nhất định phải xây dựng cho được một môi trường văn hóa doanh nghiệp mà ở đó, các nhân viên được kích thích sáng tạo không ngừng.

Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh vô hình, quyết định đến sự phát triển trong tổ chức. Không có khái niệm văn hóa chung chung mà văn hóa gắn với sự hài lòng khách hàng, gắn kết của nhân sự và hiệu quả kinh doanh. Những chuẩn mực, thói quen đã từng tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp có thể là rào cản cho sự đổi mới và thích ứng với biến động của thị trường. Những thay đổi trong doanh nghiệp, trải qua thời gian và được áp dụng lặp đi lặp lại sẽ dẫn trở thành văn hoá doanh nghiệp. 

Thay đổi văn hóa là quá trình trong đó tổ chức khuyến khích nhân viên thay đổi các hành vi và tư duy phù hợp với các giá trị và mục tiêu của tổ chức. Thay đổi văn hóa là cần thiết để gắn kết tốt hơn các hành vi của nhân viên với các mục tiêu kinh doanh nhằm thích ứng với biến đổi và yêu cầu của thị trường. 

Trước biến động và xu thế thị trường, nhiều doanh nghiệp có sự thay đổi lớn trong văn hóa về cả giá trị, chuẩn mực, thói quen và sứ mệnh của tổ chức để thích ứng và phát triển. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần đánh giá văn hóa công ty hiện tại để xác định mức độ cần thay đổi lớn hay can thiệp cải thiện phù hợp. 

Sự thay đổi về văn hóa luôn là thách thức lớn với các nhà lãnh đạo, đòi hỏi sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Khoa học về chuyển đổi, chẳng hạn như các công cụ và kỹ thuật quản lý dự án và kiến ​​thức chuyên môn về các lĩnh vực chức năng của công việc nhằm “chẩn đoán” những thay đổi văn hóa nào là cần thiết, hoặc phát triển các sáng kiến ​​và kế hoạch cụ thể để đạt được những thay đổi này. Nghệ thuật được thể hiện trong việc thu hút và tham gia hiệu quả của nhiều bên liên quan như nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp kết hợp kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân.  

Ví dụ: Về sử dụng trang phục trong doanh nghiệp: Thời gian đầu doanh nghiệp không quy định và chưa có kế hoạch cho nhân viên mặc đồng phục, mọi người mặc đồ công sở mỗi người một kiểu cách khách nhau. Khi doanh nghiệp lên kế hoạch và triển khai việc đồng phục hoá trang phục cho nhân viên bao gồm: áo, quần, giầy, cà vạt, tất, thẻ tên có gắn logo. Các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần mặc đồng phục. Thời gian đầu có nhiều sự chống đối, tuy nhiên sau một vài tuần mọi ngườ đã quyen với việc này thì họ chấp nhận và từ đó đến nay họ luôn áp dụng. Sự thay đổi này đã tạo cho doanh nghiệp có diện mạo mới phong thái mới. Được khách hàng đánh giá cao hơn và ghi nhớ lâu hơn hình ảnh con người và tác phong chuyên nghiệp của công ty. Đối với nhân viên cũng ít tốn tiền hơn cho việc mua quần áo vì quần áo, tất, giày, tất được công ty cấp

(Nguyễn Trọng Đông)