Hợp tác xã Nông Nghiệp được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau của nền kinh tế, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung cho đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã Nông Nghiệp đang nắm giữ nguồn lực to lớn về đất đai và lao động trong nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê Việt Nam năm 2021, cả nước có hơn 24.000 hợp tác xã. Tổng số thành viên trong các Hợp tác xã gần 6 triệu thành viên.
Việt Nam là quốc gia có điểm xuất phát từ nền nông nghiệp thuần túy, ban đầu chủ yếu phục vụ sinh kế của nhà nước, khi tiến tới nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo quy luật thị trường, Hợp tác xã là bước đệm thích hợp, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội và thể chế chính trị, đáp ứng những yêu cầu về quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có vấn đề sở hữu đất đai trong nông nghiệp. Từ thực tế đó, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác với mô hình HTX không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là sự khẳng định chính trị quan trọng cho vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà cụ thể là mô hình HTX.
Những năm gần đây, hoạt động hiệu quả của mô hình HTX nông nghiệp, đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Đặc biệt, HTX nông nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp của người dân. Thực tế cho thấy, đối với người dân tham gia HTX nông nghiệp, tính liên kết sẽ bền vững hơn. Nếu không có HTX, khi thu mua sản phẩm nông nghiệp của người dân, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với từng hộ dân, việc ký hợp đồng với cả ngàn nông hộ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian cho công tác quản lý. Còn khi tham gia vào HTX, nông dân được HTX hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ.
Các HTX nông nghiệp đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. HTX nông nghiệp giúp những người lao động, nông hộ, những người sản xuất nhỏ, tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đồng thời giúp tập thể những con người đó có đủ sức cạnh tranh, có nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với những nhân tố như sự hội nhập sâu rộng, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho chuyển đổi số trong sản xuất – kinh doanh, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,… đang làm cho người lao động, nông hộ, những người sản xuất nhỏ trong nông nghiệp trở thành yếu thế trong sản xuất – kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn trở thành điều kiện cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp.