1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các khoản đầu tư tài chính của HTX, bao gồm:
– Tiền gửi có kỳ hạn: Là khoản tiền mà HTX gửi vào các ngân hàng, tổ chức tài chính có kỳ hạn để được hưởng lãi khi đáo hạn.
– Các khoản cho vay bằng tiền (không bao gồm các khoản cho thành viên vay vốn theo hình thức tín dụng nội bộ);
– Các khoản đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu;
– Các khoản đầu tư, góp vốn vào các đơn vị khác;
b) Các khoản đầu tư tài chính phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng.
c) HTX phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính. Trường hợp nhận được lãi đầu tư bao gồm cả khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi mua lại khoản đầu tư đó thì phải phân bổ số tiền lãi này. Chỉ ghi nhận là thu nhập khác phần tiền lãi của các kỳ sau khi HTX mua khoản đầu tư này. Khoản tiền lãi dồn tích trước khi HTX mua lại khoản đầu tư được ghi giảm giá trị của chính khoản đầu tư đó.
Khi HTX nhận được thêm cổ phiếu từ bên nhận đầu tư mà không phải trả tiền, HTX chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm và trình bày trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận thu nhập khác và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần.
d) Kế toán phải mở sổ chi tiết để theo dõi chi tiết khoản đầu tư tài chính mà HTX đang nắm giữ (theo từng loại đầu tư; theo từng đối tượng, mệnh giá, giá mua thực tế, từng loại nguyên tệ sử dụng để đầu tư…). Trường hợp HTX đem tài sản bằng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa hoặc tài sản cố định đi góp vốn tại đơn vị khác mà có giá trị vốn góp được đánh giá lớn hơn so với giá trị ghi sổ của tài sản thì phần chênh lệch được phản ánh vào thu nhập khác hoặc chi phí khác.
đ) Khi thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư tài chính, chi phí bán chứng khoán được phản ánh vào chi phí khác trong kỳ. Giá vốn khoản đầu tư tài chính được tính theo phương pháp bình quân gia quyền cho từng mã, từng khoản đầu tư. Khoản lãi hoặc lỗ khi thanh lý, nhượng bán đầu tư tài chính được phản ánh vào thu nhập khác hoặc chi phí khác trong kỳ báo cáo.
e) Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thị trường của các khoản đầu tư tài chính bị giảm xuống thấp hơn giá gốc, kế toán được lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính theo cơ chế tài chính hiện hành.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 121 – Đầu tư tài chính
Bên Nợ: Giá trị TGNH có kỳ hạn và các khoản đầu tư tài chính mua vào.
Bên Có: Các khoản TGNH có kỳ hạn đã thu hồi và giá trị ghi sổ các khoản đầu tư tài chính khi thanh lý, bán.
Số dư bên Nợ: Giá trị các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 121 – Đầu tư tài chính có 2 Tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 1211 – Tiền gửi có kỳ hạn: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của tiền gửi có kỳ hạn.
– Tài khoản 1218 – Đầu tư tài chính khác: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các khoản đầu tư tài chính khác.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng, tổ chức tài chính, căn cứ vào số tiền gửi, ghi:
Nợ TK 121- Đầu tư tài chính (1211)
Có các TK 111, 112
Định kỳ, kế toán phản ánh số tiền lãi cho vay thu được, ghi:
a) Trường hợp thu lãi định kỳ:
Nợ các TK 111, 112 (nếu lãi cho vay thu được ngay bằng tiền)
Nợ TK 138- Phải thu khác (lãi cho vay chưa thu được)
Có TK 558 – Thu nhập khác.
b) Trường hợp thu lãi cho vay cuối kỳ:
– Định kỳ, phản ánh số lãi cho vay phải thu của ngân hàng, tổ chức tín dụng, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác
Có TK 558 – Thu nhập khác.
– Cuối kỳ hạn nợ, khi thu được cả gốc và lãi cho vay, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 121- Đầu tư tài chính (1211)
Có TK 558 – Thu nhập khác (Lãi cho vay kỳ cuối cùng)
c) Trường hợp lãi cho vay nhận trước cho nhiều kỳ:
– Khi xuất tiền cho ngân hàng, tổ chức tín dụng vay bù trừ với tổng số tiền lãi cho vay nhận được của nhiều kỳ, ghi:
Nợ TK 121- Đầu tư tài chính (1211)
Có TK 338 – Phải trả khác (tổng số tiền lãi cho vay nhận trước cho nhiều kỳ)
Có các TK 111, 112 (số tiền thực cho vay).
- Định kỳ phân bổ đều lãi cho vay vào thu nhập khác của từng kỳ
Nợ TK 338 – Phải trả khác (số tiền lãi cho vay phân bổ cho từng kỳ)
Có TK 558 – Thu nhập khác (Lãi cho vay từng kỳ)
3.2. Khi mua các khoản đầu tư tài chính, căn cứ vào chi phí mua thực tế (giá mua cộng (+) chi phí môi giới, giao dịch, chi phí thông tin, lệ phí, phí ngân hàng…), ghi:
Nợ TK 121 – Đầu tư tài chính
Có các TK 111, 112, 138, 141, 331,…
3.3. Định kỳ, phản ánh số thu lãi trái phiếu và các chứng khoán khác:
– Trường hợp nhận tiền lãi không mang tiền về HTX mà sử dụng tiền lãi tiếp tục mua bổ sung ngay trái phiếu, tín phiếu, ghi:
Nợ TK 121 – Đầu tư tài chính (1218)
Có TK 558 – Thu nhập khác.
– Trường hợp nhận lãi bằng tiền hoặc nhận được thông báo về số lãi được nhận, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138
Có TK 558 – Thu nhập khác.
– Trường hợp nhận lãi đầu tư bao gồm cả khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi mua lại khoản đầu tư đó thì phải phân bổ số tiền lãi này, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138… (tổng tiền lãi thu được)
Có TK 121 – Đầu tư tài chính (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi HTX mua lại khoản đầu tư) (1218)
Có TK 558 – Thu nhập khác (phần tiền lãi của các kỳ sau khi HTX mua khoản đầu tư).
3.4. Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia:
– Trường hợp nhận cổ tức cho giai đoạn sau ngày đầu tư, ghi:
Nợ các TK 111, 112… (nếu đã nhận bằng tiền)
Nợ TK 138 – Phải thu khác (chưa thu được tiền ngay)
Có TK 558 – Thu nhập khác.
– Trường hợp nhận cổ tức của giai đoạn trước ngày đầu tư, ghi
Nợ các TK 111, 112, 138… (tổng tiền lãi thu được)
Có TK 121 – Đầu tư tài chính (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi HTX mua lại khoản đầu tư) (1218).
3.5. Khi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, căn cứ vào giá bán:
– Trường hợp có lãi, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131… (tổng giá thanh toán)
Có TK 121 – Đầu tư tài chính (giá vốn khoản đầu tư) (1218)
Có TK 558 – Thu nhập khác (chênh lệch giá bán > giá vốn)
– Trường hợp bị lỗ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Nợ TK 658 – Chi phí khác (chênh lệch giá bán < giá vốn)
Có TK 121 – Đầu tư tài chính (giá vốn khoản đầu tư) (1218).
– Các chi phí về chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, ghi:
Nợ TK 658 – Chi phí khác
Có các TK 111, 112, 331…
3.6. Thu hồi hoặc thanh toán các khoản đầu tư tài chính đã đáo hạn, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (Tổng giá thanh toán)
Nợ TK 658 – Chi phí khác (nếu lỗ)
Có TK 121 – Đầu tư tài chính (Giá vốn khoản đầu tư) (1218)
Có TK 558 – Thu nhập khác (nếu lãi).